Trang chủ / SLEADers /

NGƯỜI CHUYỂN GIỚI - PHẪU THUẬT HAY KHÔNG? (Thứ Hai, 25/05/2020)

Người chuyển giới được xếp vào hai nhóm: từ nam sang nữ (MTF: Male to Female) và từ nữ sang nam (FTM: Female to Male). Cộng đồng MTF (trans women) thường là những người có cơ thể nam giới nhưng có xu hướng nữ tính, có suy nghĩ, hành vi giống phụ nữ và mong muốn được trở thành phụ nữ. Cộng đồng FTM là những người có cơ thể sinh học của nữ giới, nhưng có xu hướng nam tính và muốn trở thành nam giới.Có thể nói đối với người chuyển giới, quá trình tự nhận thức về bản dạng giới là một quá trình khó khăn và lâu dài từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Đặc biệt, việc nhận thức ra bản dạng giới của họ luôn đi kèm với quyết định chuyển đổi liên quan đến thể hiện giới và đón nhận những thách thức trong cuộc sống.

Quyết định phẫu thuật hay không đối với người chuyển giới thường là cả một quá trình dài tìm hiểu thông tin, cân nhắc, đấu tranh với bản thân, bởi đó là quyết định ảnh hưởng lớn tới cuộc đời của họ. Vì vậy, không phải người chuyển giới nào cũng có thể và mong muốn trải qua phẫu thuật. Phẫu thuật là ước mong và khát khao của người chuyển giới để có sự trùng khít giữa bản dạng giới, giới tính cơ thể và thể hiện giới ra bên ngoài. Đây chính là quá trình đi tìm hạnh phúc trong cuộc sống, bởi quyết định phẫu thuật có thể thay đổi cả cuộc đời họ.

Tuy nhiên, khi đi đến quyết định phẫu thuật, người chuyển giới phải cân nhắc nhiều khía cạnh. Có người cân nhắc vì lý do tài chính, bởi phẫu thuật cần số tiền khá lớn, từ vài chục đến vài trăm triệu. Hơn nữa, do hệ thống y tế để can thiệp phẫu thuật cho người chuyển giới ở Việt Nam chưa thịnh hành, nên phần lớn người chuyển giới đều có mong ước được làm tại Thái Lan, hoặc Hàn Quốc, và điều đó đòi hỏi chi phí còn lớn hơn nữa. Có những người cho biết họ sẵn sàng đánh đổi cả tuổi thọ, bất chấp rủi ro để được trở thành giới như họ mong muốn nếu có tiền đi làm phẫu thuật:

Cũng có nhiều người lại cân nhắc vì lý do sức khỏe, vì những thông tin cho thấy việc trải qua phẫu thuật có thể gây tác hại lớn đến cuộc sống của họ, thậm chí rút ngắn cuộc sống của họ đến hai chục năm. Mặt khác, có nhiều người chuyển giới từ nữ sang nam tin rằng việc phẫu thuật cũng không có tác động nhiều lắm đến cuộc sống sau này của họ, thậm chí khi đã có bộ phận sinh dục của nam giới, có thể lại gây ra hậu quả cho mối quan hệ, ví dụ như sự “không chung thủy”.

Có nhiều người chuyển giới từ nam sang nữ lại lo lắng về công ăn việc làm nếu họ chuyển đổi giới tính, vì theo họ, dù có chuyển đổi hoàn toàn về cơ thể, giới tính ghi trên giấy tờ của họ không được thay đổi. Một cơ thể nữ giới và giấy tờ ghi nam giới thì điều đó còn khó khăn hơn, và điều đó cản trở xã hội chấp nhận họ cũng như tạo cơ hội bình đẳng cho họ trong việc tìm kiếm việc làm. Chính vì vậy, phần lớn người chuyển giới đều chưa trải qua phẫu thuật, dù khát khao được chuyển đổi giới tính thể hiện rõ trog các hoạt động, hành vi của họ. Có nhiều người không nhìn thấy tương lai rõ ràng sau khi phẫu thuật, bởi dù có phẫu thuật rồi, họ vẫn phải đi “làm gái để kiếm sống”:

Thậm chí sự khó khăn trong việc tìm việc làm đã khiến nhiều người chuyển giới MTF - “bóng lộ” - sau một thời gian vất vả mưu sinh, đã quyết định quay trở lại làm “bóng kín” (ăn mặc như đàn ông, cắt tóc ngắn), và chỉ “làm lộ” (ăn mặc, trang điểm như con gái) khi đi chơi buổi tối với bạn bè hoặc biểu diễn.

Như vậy, có thể thấy, khác với người đồng tính, người chuyển giới không chỉ băn khoăn về xu hướng tình dục của mình, mà hơn hết, họ trăn trở về bản dạng giới: tôi thực sự là ai? Tôi có nên chuyển đổi (cơ thể) hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu như tôi chuyển đổi?... Quá trình trăn trở và nhận thức về bản thân luôn đi kèm theo những trải nghiệm của sự bị tổn thương, của những hi vọng và thất vọng, bi quan. Việc người chuyển giới đang phải ẩn mình trong các cộng đồng dành cho đồng tính nam và đồng tính nữ, nhưng lại không được chính các cộng đồng này thừa nhận (đặc biệt ở nhóm MTF) vừa cho thấy sự lúng túng trong sự nhận dạng bản thân, mặt khác thể hiện những vấn đề mà cộng đồng chuyển giới đang phải đối mặt – chưa được quan tâm và bị cô lập trong một xã hội chưa thừa nhận họ.

Tin đăng bởi Minh AnhMinh Anh